Nguyen Anh Nhan Collection

2022, Mar 15    

[P4][SVNLT] Chuyện đi phỏng vấn cho sinh viên IT 23/04/2022

– Bài viết gốc được Format: https://www.monokaijs.com/2022/04/snvlt-p4.html – Trong tất cả cuộc chiến tâm lí mà một sinh viên phải đối mặt, có lẽ những cuộc phỏng vấn đầu tiên luôn là “ám ảnh” nhất. Nói ám ảnh, không phải vì nó có gì đấy kinh dị hoặc ghê gớm, mà thực tế, nó luôn mang những trải nghiệm đậm chất “nhớ đời” nhất. Trong bài guide hôm nay, mình sẽ kể cho các bạn nghe phần nào về lần đầu tiên đi phỏng vấn, kèm theo đó là phân tích những điều sai lầm của mình lẫn những thứ mình đã làm đúng. Lưu ý, bài viết có thể dài và lan man, hy vọng rằng các bạn sẽ không quá nóng vội mà để sót thông tin. I. Lần đầu đi phỏng vấn Hồi mình ra Hà Nội, thực tế là trước khi đi mình cũng chẳng mang nhiều tiền và hồi đó mình cũng không còn dùng tiền của bố mẹ nữa. Thế nên, lúc bước chân ra đây, mình phải tìm ngay cho mình một công việc để tránh khỏi cảnh “chết đói”… Kỳ thực là vậy, hồi mới ra Hà Nội thì việc một mình một cảnh nơi đây nhiều phen khiến mình thực sự xiêu vẹo và chực sụp đổ với vô vàn những thứ mới mẻ đầy khó khăn. Để nhanh gọn hóa tất cả những bước cần làm khi tìm job lẫn mục tiêu của mình lúc đó chỉ là kiếm một nơi “không gò bó” để làm part-time hoặc remote, mình đã chọn việc lướt Facebook nhằm tìm chỗ nộp CV. Khá may cho hồi đó, mình có một lượng kiến thức đủ lẫn kinh nghiệm làm việc trong các sản phẩm công nghệ giáo dục nên nhanh chóng được accept CV cho một trung tâm dạy ngoại ngữ (tiếng Trung) sau chỉ nửa buổi nộp sơ yếu lí lịch. Chi tiết vụ nộp CV này, có lẽ mình sẽ nói sau vậy, nhưng cũng có vài chỗ hay ho để các bạn có thể đọc chơi cho vui. Sau khi CV đã được chấp nhận, mình đã viết một cái email khá dài với văn phong “gãy gọn” để xác nhận thông tin với bên tuyển dụng cũng như thống nhất với nhau về thời gian và địa điểm phỏng vấn. Thú thực, ngày đó bên tuyển dụng cũng chỉ là một trung tâm nhỏ cho nên quy trình tuyển dụng của họ cũng không được cho “chuyên nghiệp” lắm. Mình trực tiếp được trao đổi với giám đốc cũng như chốt thông tin ngay để cách đó 2 hôm là phỏng vấn.

  1. Confirm Letter Về cái việc viết thư trả lời cho email mời phỏng vấn, có một số điểm lưu ý sau đây mà các bạn phải đặc biệt lưu ý. Quan điểm của mình trước giờ khi đi làm (và cũng thấy ở rất nhiều người như vậy), đó là cái nhìn đầu tiên luôn là cái nhìn quan trọng nhất trong công sở. Có thể quan điểm này sẽ khác trong từng trường hợp, tuy nhiên, hãy hạn chế những “nguy cơ” xuống thấp nhất có thể và xem việc viết thư trả lời cũng vô cùng quan trọng, dù bạn có chấp nhận việc đi phỏng vấn hay không. Những điều cần đáp ứng được trong cái email đó có thể liệt kê như sau: Xưng hô đúng với thứ bậc, độ tuổi và hạn chế dùng những ngôi “xa cách” như “tôi”. Điều này nghe có vẻ buồn cười, nhưng như mình đã nói, một người tạo thiện ngay từ đầu sẽ dễ “thâm nhập” môi trường hơn. Với những người đã chủ động xưng bạn, thì bạn vẫn có thể chấp nhận xưng em như một sự nhún nhường, không sao cả. Chấp nhận hạ thấp cái tôi để học hỏi mọi thứ trên đời. Chia bố cục của thư trả lời như một lá thư Formal bình thường. Có nghĩa là có mở đầu, có tiếp nhận vấn đề, có trao đổi thêm thông tin, có nêu ý kiến (nếu có), và có kết thư. Bạn cũng có thể bổ sung thêm phần Signature cho lồng lộn cũng được nhưng cái này không bắt buộc. Chú ý font chữ, đừng để chỗ chữ to, chỗ chữ nhỏ. Không để sai chính tả, check lại vài lần trước khi nhấn gửi. ĐẶC BIỆT chú ý tiêu đề của Email, luôn nhớ là để ngắn gọn thôi và phải mạch lạc. Ví dụ: “[Confirm] Xác nhận đề nghị phỏng vấn”, hoặc “Thư đồng ý phỏng vấn”, … Mình không có chuẩn chung cho việc này, nhưng làm sao cho nó vừa ngắn, vừa đầy đủ và trông chuyên nghiệp là được. Để ý thời gian nếu như đề nghị thời gian khác so với thời gian họ yêu cầu. Tránh khoảng thời gian trước 8h30, 10h-14h30, sau 17h. Tối ưu nhất là phỏng vấn khoảng 9h30 sáng, vì đó là thời gian họ có nhiều năng lượng và dễ tiếp nhận các vấn đề nhất (hihi). Với một số vị trí thì người ta phỏng vấn lúc nào cũng được, nhưng đó là khi bạn vươn tới các vị trí “họ cần mình” hơn là “mình cần họ” cơ. Chú ý các email có CC và BCC, một số nhà tuyển dụng để thư gửi hàng loạt cho các ứng viên khác, nếu bạn không cẩn thận thì lúc phản hồi có thể sẽ reply cho cả các ứng viên khác nữa. Lỗi này không phải do bạn, nhưng cũng nên tránh. Xong phần confirm letter, giờ sẽ là chuẩn bị cái đầu và ăn mặc gì hôm đi phỏng vấn?
  2. Chuẩn bị kiến thức và nội dung Tùy từng loại chuyên ngành mà kiến thức cần chuẩn bị sẽ có những sự khác nhau rõ rệt, tuy nhiên, chung quy lại là các bạn không thể gấp rút học một cái gì đó trong thời gian quá ngắn (cỡ vài ngày tới một tuần) mà trở nên master nó được. Mà nếu không master được, thì chênh lệch một tí trong buổi phỏng vấn có khi cũng không tạo nên nhiều giá trị. Vậy thì thực sự, việc chuẩn bị kiến thức trong giai đoạn “tiền phỏng vấn”, không phải là quá quan trọng như mọi người vẫn tưởng. [!!] Tuy nhiên, nhắc lại kiến thức cũ thì có quan trọng. Điều này có nghĩa là trong suốt thời gian mà bạn sắp đi phỏng vấn, hãy “thực hiện hóa” các kiến thức cũ và cố tìm ra nhiều điều “thú vị” trong khi làm việc với chúng. Lưu ý đặc biệt sự “thú vị” này, vì nó chính là một chất liệu “ngàn vàng” để cứu lấy chúng ta trong thế khó. Hồi mình đi phỏng vấn, mình đã học lại một chút về PHP cơ bản và JavaScript cơ bản, để bổ sung những điều có thể mình đã bỏ sót trong quá trình sử dụng chúng. Học của mình, tức là nghĩ ra một ý tưởng nào đấy rồi dùng kiến thức mà làm, chứ không phải đọc. [!!] Không ai trở nên tài giỏi trong một ngày hay một tuần. Có một sự thật, đó là nhiều người vẫn tưởng nếu “đọc” càng nhiều, càng rộng về nội dung mình sắp phỏng vấn thì họ sẽ có nhiều cơ may “đậu phỏng vấn” hơn. Tuy nhiên, đây là một quan niệm không đúng cho lắm. Điều không đúng ở đây, đó là việc “đọc” nó không mang lại hiệu quả nhiều trong lĩnh vững liên quan tới CNTT. Điều thứ hai là bạn “biết” không có nghĩa là bạn hiểu, và bạn hiểu chưa chắc là bạn đã có thể áp dụng… Vậy thì, người ta sẽ chú ý gì và mình cần chuẩn bị gì nếu bản thân mình không giỏi? [!!] Nắm chắc điều mình biết, và biết điều mình không biết. Hồi lần đầu mình đi phỏng vấn, mình biết rằng cái trung tâm đó không có chuyên viên IT nào nên mình lựa những vấn đề IT dễ hiểu nhằm giải thích cho họ điều mình có thể làm. Sau này mình đi làm ở các công ty chuyên về công nghệ, mình lại lựa chọn những điều mình biết và học hỏi được, sau đó tìm mối liên kết với công ty để bảo với họ rằng mình muốn học hỏi gì từ họ. Bạn biết đấy, thời điểm này bạn có cố học thêm cũng không giải quyết được gì, nhưng nếu khôn khéo biến thứ mình biết thành lợi thế và biến điều mình không biết thành sự ham học hỏi, thì nó sẽ giúp được bạn rất nhiều. Mình sẽ nói kỹ hơn về những thứ “nên nói” trong buổi phỏng vấn ở phần sau của bài viết.
  3. Ăn mặc gì khi đi phỏng vấn? Xin lưu ý, phần này không dành cho các anti fan của các hãng thời trang, cũng không dành cho các tín đồ của các hãng thời trang… Vì nó chả liên quan gì nhiều tới thời trang cả, hoặc chỉ liên quan trên một số phương diện rất “phiến diện”. Đại khái trước kia ông anh mình bảo là, “mặc như nào cho vừa, cho không luộm thuộm là xong”. Đúng vậy, thực tế khi ứng viên đi tuyển dụng các mảng về kinh doanh thì người ta mới để ý tới trang phục nhiều, còn với dân IT thì mặc đủ quần áo, biết nói tiếng người một cách thành thạo cũng như không có các hành vi quá khích trong buổi phỏng vấn đã là điều “đáng trông chờ” rồi :v. Đùa vậy, nhưng cũng có một số điểm sẽ “hỗ trợ” phần nào cho buổi phỏng vấn: Mặc quần áo vừa vặn với bản thân, không nên mặc quần áo rộng. Có thể mặc hơi chật một chút để khiến cơ thể có cảm giác tự tin hơn. Nên mặc đồ công sở, theo lối cổ điển như quần âu áo sơ mi. Tóc không cần vuốt keo, nhưng chải lại cho gọn gàng chút. Bạn nào tóc dài thì nên buộc lại. Giày thì tránh đi các loại giày màu sắc sáng quá, tốt nhất là đi các loại giày có thể phối với đồ âu thì càng tốt. Một số đôi giày thể thao có thể xử lí gọn vụ này. Mặc đồ thể thao đi phỏng vấn cũng được, nhưng phải là áo dài tay và quần dài nhé. Cái này thì là tùy ở style và bản thân bạn, việc ăn mặc gì là lựa chọn mỗi người, mình không can thiệp. Nhưng với cương vị một người đi phỏng vấn, việc thấy ứng viên ăn mặc chỉn chu đôi khi cũng khiến cuộc trò chuyện trở nên thoải mái hơn.
  4. Thời điểm nào thì di chuyển? Đây là một bài toán khó, bởi vì nó không có lời giải cố định và yêu cầu nhiều sự cẩn thận. Tất nhiên nếu bạn có dư sự cẩn thận thì nó không khó :v Nhưng mà, đời luôn có những biến số không lường trước, và việc không lường trước được thì dễ “hại thân, hại thận”. Vậy nên, mình đưa cả phần này vào bài viết… Trước tiên, hãy tính cự ly và quy đổi ra thời gian, ở các thành phố lớn thì nhớ chú ý cả khung giờ cao điểm. Nếu khung giờ cao điểm, lên Google Maps, đo thời gian di chuyển theo trục đường chính và nhân lên 1,5 lần. Đó là thời gian ước lượng cơ bản cho việc di chuyển dự kiến. Nếu giờ cao điểm thì cứ nhân 2 lên cho chắc cú cũng được. Về thời gian tới nơi, nên tới trước khoảng 5 phút, chỉ 5 phút thôi không hơn không kém. Lí do là vì? Là vì nếu đến sớm, bạn sẽ dễ có cảm giác hồi hộp. Cái sự hồi hộp này đến từ cả việc phải chờ đợi lẫn sự lo lắng cho cuộc trò chuyện sắp xảy đến. Mình có một tips nhỏ ở chỗ này, hãy ăn nhẹ buổi sáng, không no hẳn mà dư bụng cho nó hơi hơi đói xíu. Nếu bạn có đến sớm thì ra ngồi quán trà chanh lướt Facebook một tẹo. Thời điểm trước khi vào phỏng vấn, không nên đọc lại kiến thức hay làm bất kỳ điều gì nữa. Chỉ cần giữ cho đầu óc vẫn còn thoải mái là tốt. Trong trường hợp có điều gì không may xảy ra, hãy chắc chắn nó xảy ra trước giờ phỏng vấn sớm một chút (tùy sự sắp xếp và quản lí rủi ro của bạn :v), nhưng, nếu có gì xảy ra thì nhớ thông báo lại cho bên tuyển dụng sớm ít nhất 15 phút. Và nhắc lại, hãy đến trước và chờ trong khoảng 5 phút.
  5. Mang gì theo khi đi phỏng vấn? Đi phỏng vấn, trước tiên hãy mang theo một bản in CV của bạn. Nên chọn các dịch vụ in chất lượng cao, nhất là chất lượng giấy để tránh nó có bị gập khi di chuyển hoặc vô tình nhàu nát. Bạn sẽ cần mang cả laptop nếu họ muốn “test” bạn ngay ở địa điểm phỏng vấn. Rất nhiều nhà tuyển dụng sẽ hỗ trợ luôn cho bạn cả thiết bị, nhưng lưu ý rằng ở nơi lạ lẫm như thế, được làm việc trên chiếc máy tính thân thuộc luôn khiến bạn thoải mái hơn. Và còn nữa, ai biết có khi nào key binding trên máy tính đó lại lạ hoắc thì làm sao @@ Còn nữa, hãy mang theo một cây bút và một cuốn sổ nhỏ, tuy nhiên đừng đặt chúng lên bàn mà chỉ để sẵn trong túi hoặc ba lô. Bạn có thể sẽ cần sử dụng tới chúng trong một số trường hợp cần tư duy tính toán, vẽ sơ đồ hoặc đơn giản hơn là viết ra giấy để giải thích cho họ cách hoạt động của một thứ abc, xyz gì đó… Nhớ là đừng có đặt lên bàn :v không thì trông bạn như thể đang đi tra khảo đấy.
  6. Đi phỏng vấn không phải đi thi Hầu hết mọi người đều lo lắng quá mức cho buổi phỏng vấn và thường là xem nó như một kỳ thi. Tất nhiên đây là một điều dễ hiểu khi mà phỏng vấn chia sẻ với thi cử nhiều điểm chung: Như sự đánh giá, sự chuẩn bị, sự mong chờ, kết quả, … Tuy vậy, từ bước chuẩn bị lẫn khi bước chân tới nơi phỏng vấn, luôn nhớ rằng bạn tới đây để thể hiện, để chứng minh, để tìm những người làm việc cùng chứ không phải là để họ tra khảo (tất nhiên tra khảo là quyền của họ, nhưng có để buổi nói chuyện thành tra khảo không là quyền của mình :v).
  7. Câu chuyện trong buổi phỏng vấn Mình luôn chú trọng câu chuyện để kể, và mình luôn sống theo phương châm phải có được một câu chuyện để mà kể. Điều đó có nghĩa là, tại nơi phỏng vấn, hãy kể câu chuyện cuộc đời của bạn. Như mình đã nói, có biến cuộc phỏng vấn thành buổi tra khảo hay không là quyền tự quyết ở bạn vì về cơ bản, bạn phải là người làm chủ được câu chuyện và dẫn dắt nó được phần nào. Nếu bạn được nói nhiều, có nghĩa là bạn đang làm tốt, hãy nhớ điều đấy. Những câu chuyện nên kể trong buổi trò chuyện: Hành trình học hành, thành người, tìm thấy đam mê. Những câu chuyện bản thân đã vượt qua khó khăn (cuộc đời). Lần đầu tiên được teamwork. Những cảm giác đầu tiên khi đến với công nghệ, có những khó khăn nào đã gặp phải, tại sao vẫn trụ vững. Dự án độc lập đầu tiên. Những thành tựu đáng tự hào. Chân lí sống, phương châm sống (ngắn gọn và nên liên quan tới chủ đề của buổi phỏng vấn). Có rất nhiều câu chuyện để một người có thể kể, từ việc buồn hồi bé, tới việc vui hồi choai choai, hoặc việc tự hào ngày đã lớn. Người càng già, sẽ càng có nhiều câu chuyện để kể, nhưng nếu chưa già thì nhiều trải nghiệm cũng sinh ra lắm thứ để kể. Người tự tin với cuộc đời mình, cho mọi người hiểu họ tự tin với lựa chọn của họ luôn có sức thuyết phục cao trong buổi phỏng vấn. Vậy nên, những câu chuyện trong buổi phỏng vấn luôn là những thứ được đặt làm nền móng để tạo ra một sự tin tưởng nhất định ở nhà tuyển dụng, nếu chưa tính tới kiến thức chuyên môn. Nếu bạn đã kể hết những thứ mà người ta thắc mắc, nói tuốt tuồn tuột những thứ mà người ta muốn biết, mong biết và chờ được biết, thì việc test trình độ là thừa thãi. Câu chuyện sẽ là thứ truyền tải “chính bạn” một cách chân thực, rõ nét và “dễ hấp thu” đối với nhà tuyển dụng. Test trình độ Với đa số các công ty mình từng tham gia phỏng vấn, họ đều cho mình pass luôn phần test trình độ :v, điều này có liên quan trực tiếp tới những câu chuyện mình kể. Tuy vậy, mình cũng từng trải qua cái này rồi… Với việc test trình độ, nếu bạn làm được, hãy đừng thần thánh hóa cách làm của mình. Điều này có nghĩa là trường hợp bạn chọn được 3 - 4 cách để giải quyết vấn đề thì hãy chọn cách nào “mình hiểu nhất” chứ đôi khi không phải là cách tối ưu nhất. Điều này là thực sự ý nghĩa nếu như bạn muốn trình bày bổ sung về cách thực hiện lẫn nguyên lí của nó. Với những phương án khác mà bạn có, bạn cũng có thể “nói miệng” với người giám sát để họ hiểu rằng bạn có thể thực hiện những cách tốt hơn. Tuy nhiên, việc bạn là người “cẩn thận”, nên bạn sẽ chọn cách mà bạn hiểu tường tận. Còn với trường hợp bạn “không nghĩ ra cách”, hoặc quên cái gì đấy, hãy chắc chắn rằng buổi test cho phép bạn sử dụng Google. Nếu được dùng Google, cố giải thích nguyên nhân tại sao phải dùng Google, vì thời nay dev ai cũng dùng StackOverflows nên bạn không có gì phải quá ngại ngùng cả :”) Tuy vậy, không nên “cái gì cũng search” - đương nhiên. Trường hợp không cho dùng search, trước khi thông tin rằng bạn không có đáp án, hãy thử hỏi thêm với bên phỏng vấn thử xem có vấn đề gì với đề bài không? Có thê giải thích được thêm gì không? Với các vấn đề liên quan tới “business” thì điều này sẽ hiệu quả, tuy nhiên nếu dính vào các thuật toán hoặc vấn đề kỹ thuật thì tới đây bạn nên đầu hàng và chấp nhận với họ về thiếu sót của mình. Đừng quên hứa sẽ bổ sung và khắc phục thiếu sót.
  8. Hậu phỏng vấn 90% người đi phỏng vấn ở các công ty vừa và nhỏ đều tự nhận ra kết quả phỏng vấn ngay khi bước chân đi ra ngoài. 10% chắc là chờ vào sự hên xui. Cơ mà đúng vậy, qua thái độ lúc phỏng vấn lẫn những thông tin trao đổi, bạn có thể dễ dàng nhận ra được khả năng trúng tuyển của mình. Tuy vậy, trước khi ra ngoài, hãy nhớ những điều này: Không vội vàng đứng dậy ra về khi họ bảo kết thúc buổi phỏng vấn. Nên cảm ơn, sau đó hỏi về thời gian nhận được phản hồi. Nhớ dọn dẹp những đồ dùng cá nhân nếu như có để bất cứ thứ gì ra bàn hoặc ghế. Sắp gọn lại ghế trước khi quay lưng ra khỏi phòng. Trước khi ra khỏi phòng thì chào hỏi cho lễ phép. 😐 Đóng cửa không đóng mạnh, nếu có buồn quá hoặc vui quá vẫn phải giữ tinh thần ổn định và cư xử đúng đắn. (thời điểm này là thời điểm tăng khả năng trúng tuyển của bạn, đừng làm gì sai lầm) Sau khi về nhà, hãy viết thư cảm ơn với format như lúc viết thư nhận lời mời phỏng vấn. Mọi hành động “lịch thiệp” trong thời điểm hậu phỏng vấn đều phần nào giúp bạn có tỉ lệ đậu cao hơn. II. Lời kết Không có một công thức nào cho chiến thắng, cũng không có lời khuyên nào đúng đắn hoàn toàn trong trường hợp này. Tuy vậy, trên đây là một số điều mà mình có thể giúp các bạn có được sự tự tin cao hơn kèm theo là những thứ kéo bạn tránh khỏi những sai lầm không đáng có. Với cương vị một người từng đi phỏng vấn lẫn phỏng vấn rất nhiều người, mình hy vọng rằng những kiến thức lẫn góc nhìn của mình sẽ giúp các bạn ít nhiều trong tương lai (có thể gần hoặc xa). Bài hôm nay hơi dài, cảm ơn các bạn đã đọc hết. Hẹn mọi người ở những phần tiếp theo với series “Sống với nghề lập trình”. image

[Tutorial][P1] Hướng dẫn làm app nghe nhạc YouTube cùng nhau bằng WebRTC 20/04/2022

[Tutorial][P1] Hướng dẫn làm app nghe nhạc YouTube cùng nhau bằng WebRTC Mấy hôm nay ở nhà do có chút việc cá nhân, không tham gia các hoạt động trên công ty nên mình có tí thời gian rảnh hơn mọi ngày, thế là mình cũng nghe Spotify nhiều hơn một chút. Spotify thì trước giờ mình không dùng mấy mặc dù đã đăng ký subscriptions, việc đó đã khiến mãi tới gần đây mình mới biết là Spotify có tính năng nghe nhạc chung. Thực ra, cái tutorial hoặc series tutorial sẽ không hướng dẫn bạn làm một tính năng nghe nhạc “y chang” như spotify, nhưng chí ít sẽ giúp bạn có thể làm ra một phiên bản clone có những tính năng cơ bản giúp bạn và bạn bè có thể cùng nhau nghe nhạc. Link bài viết ở đây: https://bit.ly/3rBEDZG image

[P3][SVNLT] Tìm việc & làm việc - Guide cho sinh viên. 19/04/2022

[P3][SVNLT] Tìm việc & làm việc - Guide cho sinh viên.

Series Sống với nghề lập trình. Publish bài mỗi thứ 3 hằng tuần để giải đáp các tâm tư thắc mắc của những bạn sinh viên về cái nghề được anh em Vozer gọi là “Vua của mọi nghề”. – Cũng khá lâu từ bài lần cuối mình viết về chủ đề này, series này đáng ra sẽ phải là một series dài được đầu tư và chăm chút. Tuy vậy, các bạn thông cảm vì thời gian của mình không hẳn là cho phép do tính chất công việc hiện tại của mình cần khá nhiều sự tập trung cao độ. Mà việc viết bài, nhất là một loạt bài có tính liên kết thì cũng cần những sự tập trung cao không kém… Sắp tới, mình sẽ viết kỹ hơn về cuộc sống, cách sắp xếp công việc của một dev, cách làm sao để tiến bộ và tìm nỗ lực cố gắng mỗi ngày. Và, guide này sẽ dành riêng cho các bạn sinh viên, vì mình cũng như các bạn, mình muốn sẽ có thể chia sẻ ngay khi mình vẫn đang còn cùng các bạn trải qua cái giai đoạn này.

  1. Tìm việc ở đâu? Điều quan tâm nhất của một sinh viên IT, thường sẽ là “bao giờ mới có thể đi làm?”. Câu hỏi này rất khó, thực sự khó để trả lời, không phải vì nó không có câu trả lời hoặc câu trả lời mù mờ, mà thực tế nó cần chính bản thân bạn đưa ra lời giải đáp. Thật vậy, việc đi làm được hay không, nó dựa trên một nguyên tắc cơ bản là “Bạn có làm được việc không?”. Chính đây là phần khó trả lời nhất mà khi được hỏi thì hầu đa các bạn sinh viên đều rụt rè, hoặc, có một số trường hợp thì đánh giá bản thân quá cao. Vậy như nào là làm được việc? Có một số kiểu suy nghĩ sau đây:
    • Làm được việc là được giao việc thì làm xong.
    • Không cần nói, tự thấy việc là làm.
    • Làm, nghiên cứu, đề xuất, làm tiếp. Mỗi kiểu làm việc sẽ có một mục đích riêng mà có thể bạn sẽ không tự nhận ra được ngay, nhưng điều này mình sẽ nói kỹ hơn ở phần sau, cùng với các nội dung phân tích về kiểu người khi đi làm. Vậy, quay lại câu hỏi, “Bao giờ mới có thể đi làm?”. Tuy câu trả lời có thể thất vọng: “Khi bạn có thể làm được việc”, nhưng nó lại khá dễ để tự trả lời nếu đưa ra các đầu mục cần đáp ứng. Trên cương vị người tuyển dụng, một số vấn đề sau cần được liệt kê để các bạn có thể nhận ra rõ hơn. Lưu ý rằng tiêu chí này có thể thay đổi dựa trên môi trường:
    • Bạn có thể đáp ứng thời gian làm việc do công ty yêu cầu hay không?
    • Nếu làm việc ngoài giờ, bạn có chịu nổi không?
    • Bạn có thể cân bằng việc học và việc đi làm không?
    • Bạn có thể đảm bảo trách nhiệm trong công việc, trách nhiệm liên quan tới chất lượng sản phẩm do bạn làm ra hay không?
    • Bạn có đáp ứng được những tiêu chí về chuyên môn hay không? (Sẽ phân tích sau).
    • Trước đây, bạn đã tiếp xúc nhiều với ngành CNTT chưa?
    • Mức sống của bạn cần một mức lương như thế nào?
    • Bạn hiểu việc mình đi làm sớm sẽ có tính học hỏi cao hơn chứ? Như mình nói, việc phân tích những vấn đề này không hề dễ, nhưng nếu bạn trả lời được các câu hỏi trên thì có thể tự lên cho mình một danh sách kèm câu trả lời. Danh sách này, bạn không phải gửi cho ai cả, cũng có thể lưu lại để tự nhìn lại mình mỗi lần nhảy việc. Tuy nhiên, nó sẽ giúp bạn rất nhiều để xác định rằng bản thân mình hợp với công ty đó bao nhiêu % dựa trên các đầu mục đã được liệt kê. Thường, với mình thì một công ty đáp ứng được trên 5 tiêu chí rút gọn dưới đây, sẽ là một nơi tốt để mình dừng chân. Sau này, khi có thời gian mình sẽ phân tích kỹ từng đầu mục cho các bạn để hiểu lí do tại sao nó quan trọng:
    • Môi trường năng động.
    • Có khả năng học hỏi tại môi trường đó.
    • Lương ở mức ổn.
    • Nhà tuyển dụng cho thấy sự minh bạch.
    • Định hướng phát triển của công ty rõ ràng.
    • Thời gian làm việc thoải mái, phù hợp với bản thân mình.
    • Công việc được bố trí một cách rõ ràng, dễ nhận việc và cũng dễ minh chứng việc mình nhận đã hoàn thành.
    • Chị HR không cần xinh lắm nhưng công ty bắt buộc phải có một bác bảo vệ dễ chịu :v (đùa đấy). Đấy chỉ là các tiêu chí mà hồi năm nhất mình đi xin việc. Ở hiện tại, mình cần nhiều những sự phân tích hơn, nhưng các bạn có thể tin rằng một khi ở môi trường nào đáp ứng được 5 tiêu chí trở lên (đặc biệt chú ý khả năng học hỏi và tính năng động của môi trường), thì đó chắc chắn là nơi bạn không sợ thiệt. Tuy vậy, mình chỉ đưa ra cho các bạn một số tiêu chí để tự thân lựa chọn chứ không ép các bạn phải theo hẳn như vậy. Xét cho cùng, không ai có thể nói chính xác hoàn cảnh của người khác nên làm gì.
  2. Tự đánh giá bản thân như thế nào? Một điều khó khăn mà đa phần sinh viên gặp phải chứ không duy chỉ năm nhất hay năm hai, đó là không biết tự đánh giá bản thân. Tự đánh giá ở đây, đó chính là làm sao để biết năng lực làm việc của mình đang ở mức nào và có cơ hội nào cho bản thân để nhận những mức phúc lợi tốt hơn từ doanh nghiệp hay không? Dưới đây, mình nghĩ sẽ đưa được cho các bạn một vài phương án mình từng sử dụng để đánh giá bản thân mình. Các levels mình từng nhận là từ Fresher tới Mid-level, mình từng được nhận một vị trí Senior nhưng thực tế mình không dám tự nhận mình là Senior nên mình sẽ gạt qua nó một bên. Ngoài ra, với các bạn sinh viên thì thường mình chỉ thấy phổ biến là các bạn Internship tới Junior, chứ trên nữa thì mình thấy còn khá hiếm. Với các doanh nghiệp nhỏ, tư duy của bạn sẽ là mức level. Với các doanh nghiệp vừa và lớn, level của bạn sẽ là mức tư duy + năm kinh nghiệm. Điều này đúng trong hầu hết hoàn cảnh, thế nên hãy lưu ý khi apply. Thực tế cho mình thấy, các levels khi làm việc được đánh giá đa phần đều dựa trên những kinh nghiệm làm việc và sự rộng mở về tư duy hơn là số năm kinh nghiệm. Có nghĩa rằng, mức độ bạn hiểu về một vấn đề sẽ khác nhau khi ở mỗi mức level. Chúng ta có thể cùng làm ra được một Form Login, nhưng mình thấy có sự khác biệt ở các levels như thế này:
    • Internship: Làm được một cái Form Login, nhưng có thể lâu lâu lỗi hoặc chưa hoàn thiện lắm.
    • Fresher: Làm được cái Form Login, dùng ok, nhưng không có gì đặc sắc.
    • Junior: Làm được cái Form Login, dùng cũng ok, có sự chăm chút trong từng chi tiết, hiểu lí thuyết tại sao lại phải làm như vậy và đồng thời hiểu được các patterns đã sử dụng.
    • Mid-level: Làm được cái Form Login, dùng cũng ok luôn, các chi tiết thì không nói làm gì nữa, vì rất cứng tay rồi. Hiểu được cơ chế, giải thích kỹ được về từng cơ chế hoạt động, hiểu rõ về sơ đồ hoạt động và có thể tìm được một vài phương án bổ sung.
    • Senior: Bao gồm tất cả những thứ trên, kèm thêm tư duy về mở rộng, hiểu về cách mở rộng hệ thống nếu như cần thiết. Biết cách đưa những công nghệ mới vào, có khả năng nghiên cứu, phân tích về các phương án đề ra để mang lại hiệu quả cao nhất khi hoàn thiện sản phẩm. Ở mức Senior, mình nhận thấy nó như vậy, rất có thể từng nơi sẽ đánh giá Senior ở các mức độ còn khác nữa nhưng bạn có thể hiểu rằng ở mức đó, thường họ sẽ chẳng mấy khi đi apply mà phải phân tâm trong việc lựa chọn làm gì. Với một sinh viên năm nhất, thường thì sẽ chỉ ở mức Internship hoặc Fresher, cùng lắm là lên được Junior, vì với một hai năm kinh nghiệm, lên được Fresher còn khó chứ chưa nói là cao hơn. Hãy lưu ý kỹ vấn đề này, vì năm kinh nghiệm trong một công nghệ sẽ khác so với năm kinh nghiệm trong nghề. Bạn có thể có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực CNTT, nhưng chỉ có 1 năm trong sử dụng React Native, thì khi apply React Native, CV của bạn cũng mới chỉ có 1 năm kinh nghiệm. 9 năm còn lại gọi là kinh nghiệm bổ sung. Mình sẽ nói kỹ hơn về roadmap cải thiện tư duy và thăng tiến trình độ trong bài viết sau, bài viết này mình nghĩ chỉ nên tập trung vào vấn đề lựa chọn công việc và tìm bến đỗ cho mình. Vậy thì, với Internship (thực tập), bạn cần kỳ vọng những gì? Với mình, một Internship sẽ cần thứ đầu tiên là khả năng học hỏi từ cả phía doanh nghiệp lẫn bản thân. Nếu sau một kỳ thực tập, bạn chỉ có lương mang về thì đó thực sự là một kỳ thực tập thất bại. Với tâm thế của một người đi thực tập, họ sẽ cần những sự trải nghiệm và cơ hội để có thể áp dụng các kiến thức đã học hỏi trên trường lớp vào các dự án thực tế. Đưa những thông tin mù mờ ra ánh sáng và cọ xát với những mô hình phát triển phần mềm mà chỉ mới nghe qua lúc còn ở giảng đường. 4 năm đại học, bạn sẽ học được bằng chậm lắm là 1 năm so với khi đi làm dành nhiều nỗ lực. Nhớ kỹ rằng, giai đoạn này bạn chưa thể làm gì nhiều. Việc đánh giá bản thân ở mức Internship, nếu là chính xác, thì khả năng của bạn không hơn cái mức làm ra được một Form Login lâu lâu lỗi. Việc đặt tâm thế học hỏi sẽ cho bạn cơ hội để vượt qua giai đoạn này rất nhanh. Cũng rất thận trọng với các doanh nghiệp, vì thường việc lún quá lâu vào giai đoạn Internship sẽ khiến cho chính bản thân bạn mất đi những động lực (do không tự nhận thấy được giá trị bản thân), đôi khi cũng sẽ bị lợi dụng bởi một số doanh nghiệp khi làm mãi mà vẫn chỉ ở mức Internship. Còn nếu, bạn làm việc trên 3 tháng rồi mà vẫn chỉ ở mức Internship, hãy tự hỏi bản thân về môi trường đang làm việc, xem nó có nice không. Nếu mọi thứ vẫn ổn mà bạn không thể thăng tiến, thì vấn đề nằm ở bản thân bạn đang rất lớn. Với mức Fresher, khi đã làm được việc dần rồi thì cơ bản các bạn cũng đã có cho mình những kiến thức lúc đi làm. Tuy vậy, với bản thân mình và quan điểm của mình, giai đoạn này nói ngắn gọn là các bạn nên tập trung “nghiên cứu” nhiều hơn là code. Người trẻ thì bao giờ cũng vội. Nếu có ý tưởng mới thì thường sẽ đưa vào apply ngay. Với Fresher, khi code dần cứng tay thì họ cũng dễ vướng phải “Dunning Kruger” (một lí thuyết mình đã từng đề cập trong bài trước, bạn cũng có thể search Google). Việc tự mãn này có thể dẫn tới sự thỏa mãn về chất lượng sản phẩm của bản thân, dần khiến cho bản thân bị tụt lại và không khéo sẽ là tụt lại cả chất lượng trong các sản phẩm sau. Và, đặc biệt nhớ, nếu sản phẩm cũ tệ thì sản phẩm mới phải làm tốt hơn. Và tốt nhất là không nên code lại nguyên cái gì đó tận hai lần.
    • Mẹo cho bạn: Bạn có thể thử viết CV theo nhiều kiểu và apply vào nhiều công ty khác nhau để thử xem mức độ quan tâm của họ đối với bạn như thế nào. Từ đó, bạn cũng có thể nhanh chóng đánh giá được trình độ hiện tại của bản thân.
  3. Tóm lại Việc tìm việc làm và đi làm cho sinh viên chưa bao giờ là dễ, tuy nếu nói khó thì cũng không hẳn là quá khó. Tuy vậy, hãy thử sức mình càng sớm càng tốt. Bước đi sớm nghĩa là con đường dài, một con đường dài chứa nhiều sai lầm sẽ thường có cái đích thành công rực rỡ. Trên đây, là P3 của series này. Mình hy vọng rằng các bạn sẽ thấy đôi điều hữu ích hoặc thú vị. Hoặc chí ít là đọc cho vui thôi :v Hẹn các bạn bài sau, và hứa sẽ giải thích kỹ càng các chi tiết. See yah! Original Post: https://bit.ly/3jUENH2 image

10/4 10/04/2022

Văn từ chối offer cho mấy thanh niên lười gõ. Còn như cái thanh niên gen Z nào ở bài dưới thì mình chả thèm reply mail rồi 🥱 Em chào chị, Lời đầu tiên em xin phép được cảm ơn chị nói riêng và bộ phận tuyển dụng cũng như *** (che tên cty) nói chung khi đã dành thời gian trao đổi thông tin và cho bản thân em cơ hội được tiếp xúc với công ty mình. Em cũng rất cảm ơn vì buổi phỏng vấn, những kiến thức và đóng góp của hai anh thực sự là những điều em ghi nhận cũng như giúp em rất nhiều trong việc xây dựng những góc nhìn đúng đắn hơn về nghề, ngành, môi trường làm việc. Với offer như đã trao đổi, em cảm thấy đó đã là những gì em mong muốn và cũng không có bất kỳ vấn đề nào phải phân vân hay thắc mắc. Tuy vậy, cũng với rất nhiều thời gian suy nghĩ sau buổi phỏng vấn, em đã có quyết định ****** (lí do từ chối offer). Với tinh thần mong muốn học hỏi, em biết chắc rằng mình có cơ hội rất lớn tại ****. Tuy vậy, bản thân em cũng nhận ra được mình cần thêm nhiều sự chuẩn hoá về mặt tư duy trước khi thực sự bước chân vào một môi trường cần nhiều hơn là đam mê. Chính vì vậy, ở thời điểm hiện tại khi mà thời gian không đáp ứng được, em xin phép được gác lại lời đề nghị từ phía công ty để tập trung tiến xa hơn, bước vững vàng hơn trên con đường tư duy và kiến thức của mình. Hy vọng rằng trong tương lai, khi bản thân em đã tốt lên, hoàn thiện hơn, em sẽ có cơ hội làm việc cùng quý công ty và mọi người. Một lần nữa, em rất trân trọng offer lần này cũng như những gì gặt hái được sau buổi interview. Cảm ơn mọi người và *******. Trân trọng,

Trích

LẦN ĐẦU TIÊN MÌNH THẤT VỌNG TỚI VẬY VỀ MỘT ỨNG VIÊN TRẺ TUỔI… Em sinh viên sinh năm 2003 nộp CV ứng tuyển vào vị trí mình đang tìm kiếm nhưng ngoài tiêu đề mail và CV, em không viết thêm bất cứ một dòng giới thiệu hay chào hỏi nào. Nghĩ có thể em quên mất, lỡ tay bấm gửi mà không biết, mình cũng lịch sự phản hồi lại em bằng tất cả sự chân thành. Ngay sau đó mình ngã ngửa khi nhận được mail phản hồi từ em với nội dung vỏn vẹn: “Dạ chê” kèm những icon khó hiểu. Không biết có nhà tuyển dụng hay công ty nào từng gặp phải tình huống trớ trêu như mình chưa 🙂 Thấy các bạn trẻ bây giờ ai cũng năng động, tài giỏi và cầu tiến. Lần đầu gặp phải một bạn ngang ngược như vậy luôn đó trời. image

4 Tháng 4 04/04/2022

Trên đời người ta hay nghĩ mình quan trọng. Trước đây tôi cũng nghĩ thế, nên giờ tôi vẫn nghĩ thế 🤒. Đùa chứ, nếu mình không quan trọng thì bạn cũng chả cần tới hỏi mình, còn nếu bạn nghĩ mình quan trọng thì nhớ xem bạn có cần tới điều gì quan trọng từ mình không. Nếu có, thì ít nhất kẻ bất lịch sự còn biết thả một cái reaction tin nhắn.

image

26/3 26/03/2022

Mỗi năm, tôi học được khá nhiều thứ khiến chính bản thân mình cũng trở nên choáng ngợp khi rảnh rang mà ngồi nhìn lại. Cơ mà, đó chỉ là khi tôi rảnh, chứ bình thường thì việc học một công nghệ mới, biết kiến thức mới, nâng cấp những thứ cũ nó gần như thuộc về “daily regulation”. Học hỏi nó là một hành trình, khi học thêm một thứ với đam mê, lượng kiến thức đấy sẽ nhân lên và nở ra một cách khó tưởng tượng nổi. Đó là lí do mà sự kiên trì trong cái ngành phát triển phần mềm nó thuộc hàng tối quan trọng, chiếm hầu hết những phần khó khăn và gian nan nhất khi ai đó bén mảng muốn lấn sang ngành này. Và, cũng để bạn hiểu, việc học nhanh là thành quả của rất nhiều năm học chậm trước đó. 10 năm trước, tầm này, có vẻ như tôi đang dần tiếp cận với những thứ đơn giản nhất của lập trình. 10 năm trước, tôi có cơ duyên của mình để tìm ra thứ khiến cả đời tôi thay đổi… Dù cho nó đặt lên vai áp lực, đè lên đầu những vấn đề gọi là khó khăn; thì khi đã có đam mê, tất cả chỉ khiến cuộc hành trình trở nên thú vị. Mọi thứ đều trở nên xứng đáng, nếu dành đủ thời gian mà chăm nom… image

20 Tháng 3 20/03/2022

Trên đời, có những chỗ tăm tối mà lâu lâu thò tay vào bạn sẽ ngạc nhiên bởi những điều bỏ lỡ. Người ta joke rằng có thể giấu được một cái xác trong trang 2 của tìm kiếm trên Google, còn mình thì chắc cái xác đấy hương hoả bao năm trong hòm spam mình còn chẳng biết @@. Tần suất check inbox messenger của mình là cỡ ngày một vài lần, thời gian cho cái mạng xã hội quái đản, vô dụng và phí công này là chỉ rơi vào khoảng 30p-1 tiếng mỗi ngày. Trên lí thuyết, với mình thì cái hòm spam có thể sử dụng một cách hiệu quả để làm nơi che giấu bí mật quốc gia. Hôm nay mình dậy muộn sau một đêm vật vã với mấy cái hệ thống, mở cái mắt ti hí ra quờ quạng bấm vào mục spam. Tại đây, mình gặp được những lời đề nghị của vài bạn trẻ, đôi câu hỏi không đầu không đuôi của vài người nọ (cái này thì cảm ơn fb vì đã lọc mấy cái câu hỏi cụt lủn vào trong cái hầm chứa xác này), và, ồ wow, một tin nhắn đầy sự giận dữ cũng như khó chịu từ một kẻ dùng FB mới lập. Có hai điều cần làm rõ ở đây, ý đồ của hắn khi nhắn tin là gì và động lực nào đã khiến hắn phải so sánh cái “trình độ” code với tôi @@ một kẻ vốn chưa bao giờ tự công nhận trình độ kỹ thuật của mình và đem nó đi hơn thua với người khác 😕 (hay là đám trên cty bị mình mắng code gà nhiều quá nên chúng nó nổi dậy ta…) Anh bạn Huy Nguyễn thân mến, tôi không hiểu vì sao anh đề cập tới cái Tool nhà tôi với đầy sự giận dữ, nhưng cái tool cùi thì tôi không có nhiều sự phản biện. Vì như trước giờ trên đời, món ngon chỉ dành cho kẻ biết thưởng thức. Tôi không có ý bảo rằng “hàng nhà mình” luôn xịn, nhưng nếu bạn không biết cách sử dụng và tận dụng, thì đương nhiên cái thứ bạn cầm trên tay vô dụng là phải rồi. Bạn sai ở một điểm rất lớn trong luận điểm này của bản thân khi bảo rằng “hàng” của mình là sản phẩm của code dở. Trân trọng giới thiệu với bạn, sản phẩm trên là kết quả của một Mid level và 1 junior mobile dev tại công ty mình. Thế thì có nghĩa là mình không phải người làm nên cái tool đó (technically), nhưng mình là người đẻ ra nó :=))). Điều này có nghĩa rằng bạn chê nó dở thì ok, nhưng nếu bạn inbox cho mình và chê “code” của nó dở thì là bạn nhầm rồi. Hơn nữa, cả trăm nghìn người thấy ổn, mỗi bạn nói không ổn thì là sao nhỉ :=)) cái này mình không tranh luận nhiều, vì ngay cái phần sau của đoạn tin nhắn đã minh chứng bản thân bạn khá rõ ràng. Solo code trên Leetcode? Cuộc đời, có nhiều loại người tài. Trong đó có hai loại mà mình gặp nhiều nhất, đó là tài mà vô dụng và tài vừa đủ để sử dụng. Nó giống như việc ở trường bạn học giỏi thì số 1, nhưng sau đấy bạn thất nghiệp hoặc đi làm trái ngành, đó là tài nhưng vô dụng. Còn nếu bạn chỉ biết sơ sơ về viết văn, nhưng văn bạn tán được gái, thì nó là tài vừa đủ để dùng (hihihi). Trong cuộc đời này, mình luôn ưu tiên những con người biết rõ mình là ai, mình ở đâu để mà phấn đấu, phát triển và cống hiến. Đội phát triển tại công ty mình là người trẻ, họ tuy chưa có những sự chỉn chu nhất định nhưng chắc chắn đã làm nên những thứ gọi là giá trị. Mình công nhận giá trị họ tạo ra, xã hội cần giá trị họ mang lại. Nếu bạn không công nhận kiến thức về kỹ thuật của mình thì cũng ổn thôi, dù sao mình cũng chưa có bằng cấp gì về cntt để mà mang ra khè 😂. Làm người dốt để biết mình còn cần phấn đấu, mỗi ngày mình vẫn code nhiều bằng 2-3 người cộng lại. Mình tự hào về sự cố gắng. Còn bạn, hãy tìm cho mình giá trị thực tế nơi Leetcode, và đừng để cái đáy của Dunning Kruger nhốt bạn lại mãi như hiện tại, nhé. “Một kẻ biết code thì gọi là người viết code, còn kẻ biết code và hiểu mọi thứ vận hành như thế nào từ gốc rễ mới gọi là lập trình viên“. Chúc bạn may mắn 😉 image

** 18. 03. 2022 - Đừng tiết kiệm lời cảm ơn ** 19/03/2022

Cái nút Share của FB bị thần kinh rồi nên mình copy lại nội dung bài viết này từ page Chuyện của Hà Nội. Nói chung là lâu lâu cũng hơi chán mấy thanh niên :)) Lời cảm ơn không to, nhưng nó thể hiện phép lịch sự, đừng tiết kiệm làm gì cả. Vì nhiều khi thái độ còn quan trọng hơn cả chuyện nhờ vả… Hồi đó có cậu sinh viên liên hệ anh xin phỏng vấn để làm tiểu luận về nghề nghiệp. Không quen biết, nhưng được cái nhiệt tình. Anh nghĩ trước đây mình cũng một mình lận đận Hà Nội như vậy, cũng mong chờ có người giúp đỡ lắm, nên đồng ý. Cậu ta kết bạn facebook, add zalo, gửi mail các thứ. Anh cũng đang rảnh, trả lời hơn 20 câu hỏi, không quên nhắc thêm vài câu thừa thiếu, rồi gửi cái mail dài hơn 2 trang giấy. Mail xong anh nhắn bên facebook bảo cậu ấy check. Cậu ấy “Vâng anh”, rồi từ đấy không liên lạc, một cái like facebook cũng không. Cuộc sống bận rộn, có thể bẵng đi vài ngày cậu ấy quên mất, còn anh thì mỗi lần nghĩ lại đều cười bản thân lo chuyện bao đồng. Sau lần ấy, anh đi làm bao giờ cũng nhắc mấy đứa em là có nhờ ai thì phải cảm ơn đàng hoàng, kể cả là trên tin nhắn. Đừng có thả tim hay like là xong chuyện, như thế nhiều người không thích, đó có thể là lần cuối cùng nói chuyện luôn. Nhiều người bảo cứ hay cảm ơn, xin lỗi thì sẽ là khách sáo, lắm chuyện, nhưng anh thấy bình thường, hàm ơn thì cảm ơn, mắc lỗi thì xin lỗi. Ở vào vị trí của đối phương, anh thừa biết một câu cảm ơn bao giờ cũng được điểm, còn chính mình thì lại thấy nhẹ nhàng hơn nhiều. -aT- Nguồn: Chuyện của Hà Nội image

Xời, sắp xong rồi 18:31 18/03/2022

image

Dạo này tôi code nhiều 00:03 15/03/2022

Ý tôi khi nói nhiều, không phải là nhiều theo cách đếm thông thường, mà là cách tính dựa trên hoàn cảnh. Nếu bạn bình thường ngủ có hai tiếng, nay ngủ bốn tiếng, đó gọi là nhiều. Hoặc nếu bạn ngã xe với vết thương ở chân, cái đoạn đường ngắn tũn từ nhà ra ngõ thường ngày bạn vẫn la cà bỗng cũng thành một con đường “nhiều” khoảng cách tới lạ… Nói chung, ý tôi khi nói nhiều ở đây là tôi bị ốm nên tôi thấy tôi code hơi nhiều. Trời trở mùa, gió bay vèo vèo qua ô cửa sổ một cách kỳ lạ tạo nên những tiếng động khiến tôi phải lắng tai nghe trong đêm giữa cảnh tĩnh mịch. Lạnh không ra lạnh, nóng cũng không phải nóng… Cái thứ thời tiết ẩm ương trong tiết này đôi khi làm tôi hơi bực mình, nhất là mỗi khi làm việc phải ở lì hàng nửa ngày bên máy tính. Mỗi lần làm việc, tôi cứ ngồi vậy lặng thinh, mặt không biến sắc và chẳng có một cử chỉ hay hoạt động nào ngoài đôi bàn tay gõ liên hồi trên bàn phím. Ngồi cả ngày cũng không thấy đói. Có lẽ thế mà sinh hoạt hằng ngày của tôi khiến người ngoài khó hiểu, chí ít là tới mức độ bác bảo vệ ở tòa nhà thường xuyên cảm thấy tôi có gì đấy “hơi kỳ quặc”. Chắc là cái dung mạo sinh viên cùng chút thông tin vừa cụt, vừa thưa của tôi khiến bác không thể tưởng tượng được ra cuộc sống của tôi phức tạp tới nhường nào. Và cứ thế, tôi vẫn sống hằng ngày theo cách của riêng mình như vậy. Cũng phần nào là lí do tôi hay ốm, nhất là những dạo đầu năm với cơn ho dai dẳng, thường lệ như báo mùa về. Để rồi, những chiều cuối xuân nọ vẫn lất phất mưa bay kèm cái khí trời dở hơi như tuổi mới lớn, tôi lại thả mình ngất ngây trong năm tháng xưa cũ. Để lòng rủ lại như tấm khăn buông thõng, tôi mặc sức cho ký ức chiếm lấy mình mà nhắm nghiền xuôi theo chiều gió lạnh… Đôi khi giữa khoảnh khắc ấy, tôi lại nhẹ cười, sau đó tôi sẽ ốm. Hoặc là tôi sẽ hít một hơi thật sâu để hơi lạnh thấm vào người, lan lên tận óc và khiến tôi bình tĩnh hơn. Một tràng ho sẽ bắt đầu và tôi sẽ lại ốm… Thế đấy, cái mùa này khiến tôi ho sặc sụa, sốt liên hồi và cảm không ngừng nghỉ… Nhưng ít ai biết rằng trước những trận ốm căng thẳng, kịch liệt và sôi nổi ấy, lại là chút lắng đọng tới tĩnh mịch của cái biển lòng vốn luôn sóng động trong thâm tâm tôi. Và cũng thế đấy, dạo này tôi code nhiều, code nhiều giữa mùa hoa ngừng nở, giữa mùa tiết trời dở hơi… Lại thả mình giữa con phố dài, những điều xưa cũ và ho sặc sụa.

Tôi vốn ít bạn. 00:56 14/03/2022

Tôi biết rõ điều này và mấy người bạn trong cái vòng tròn nho nhỏ tôi đặt tên là bạn bè đều hiểu rõ điều này. Có nhiều lí do tôi dùng để cắt nghĩa cái vấn đề này, nhưng hầu như tôi cảm thấy trong mình nột nỗi bất lực nhất định để giải thích được về điều đó. Chí ít là việc tôi từng nghĩ rằng nếu cứ sống tốt với bạn bè thì ắt họ cũng sẽ hiểu thành ý. Tất nhiên, suy nghĩ đó của tôi chỉ tồn tại được một thời gian rất ngắn, cho tới khi tôi có thể tự gọi mình là một nạn nhân của cuộc “bắt nạt” dai dẳng của những kẻ rỗi hơi. Tôi dùng từ rỗi hơi, vì tôi biết rằng thay vì việc bắt nạt tôi - vốn là một việc rất mất thời gian trong quá trình lên kế hoạch cũng như thực hiện, đám người đấy có thể tiết kiệm thời gian mà học hành, để tự mò ra cách sửa máy tính, đỡ phải nhờ tôi, đỡ dốt môn tin để chép bài tôi, hoặc tự làm được bài kiểm tra tiếng Anh chứ không phải giả trân nhờ tôi giúp đỡ… Mãi về sau, tôi vẫn giữ cho mình một trái tim nhiệt thành khi được hỏi nhờ giúp đỡ, vẫn hiền hậu mặc kệ quá khứ để nói chuyện một cách bình thường với những kẻ từng để mình ở hạng cỏ rác chướng mắt. Tôi không phải dạng người cao thượng, đơn giản vì những ngày đó, niềm cô đơn vẫn lạnh tê tái và, chất chứa trong lòng là nhiều điều khó nói, khó chia sẻ. Tôi cũng có vài người bạn thời đó, vài kẻ lợi dụng, tôi chả quan tâm. Vài người thật lòng, nhưng lại quá đơn giản. Cứ thế, tôi đi qua tuổi trẻ của mình một cách chai sạn, vấp váp trên một con đường kệch cỡm đến bi hài. Để sau này, nhìn lại mọi thứ, tôi lại nhếch mép cười méo mó, tự hỏi mình đang khinh bỉ “kẻ ăn mày tình bạn” hay đang cười khổ cho một lòng nhiệt thành bị đá văng lông lốc… Tôi lớn lên, nhưng tôi vẫn không rõ. Cuộc sống càng về lâu về dài, tôi càng thu mình lại và cảm thấy khó khăn khi gặp bạn bè đồng trang lứa. Điều tôi bận tâm, liệu chăng họ hiểu? Điều tôi muốn nói, chưa chắc họ muốn nghe. Điều tôi quan tâm về họ, khéo chừng họ còn chưa nghĩ tới… Và thế là tôi chợt thấy mình lạc lõng giữa cơ man là người nườm nượp xung quanh. Có chăng, nó như là cái cảm giác chợt thấy mình rơi tõm giữa một con đường đông nghịt người chen chúc… Có chăng, tôi cứ mãi tuôn hết ruột gan đi tìm một tình bạn, để ngộ ra rằng mình chẳng mưu cầu gì ở kẻ đối phương… Rồi, một ngày, họ khiến tôi giật mình trước sự phũ phàng lạnh ngắt, tôi cũng chỉ biết mỉm cười xem mình đã tệ ở đâu. Sống không có bạn bè thì là một mình chống trả thế giới. Sống bên bạn bè tệ, thì một mình đấy bây giờ còn có nửa mình mà thôi…

Chút lành lạnh vương sót… 25 tháng 2 lúc 02:55

Hà Nội cuối xuân, mưa dần thưa thớt, nhường lại chút nắng nhợt nhạt nơi cuối trời thả vào không khí hơi ấm diệu vợi. Tôi xuống đường, cảm thấy đôi chút lạc lõng nhưng không phải là trống trải lắm, chỉ là chút mông lung như thể người ta vẫn cảm nhận được mỗi khi thế giới chợt khiến ta quay cuồng tới quên mất mình là ai… Mỗi năm mỗi khác, vẫn góc nhỏ bên đường cùng quán cà phê tẻ nhạt, tôi lại đánh mắt nhìn xa xăm dòng người qua lại trong một ngày cuối xuân nào đó. Khác, không phải tại chỗ, cũng chẳng tại thời, mà có lẽ có những sự thay đổi mà tự tôi không thể nhìn thấy. Tôi không còn nhìn Hà Nội chậm trôi như đứa trẻ lên ba trèo lên ghế để đưa mắt hướng ra ngoài với ánh nhìn sáng rực. Tôi bây giờ, lòng vẫn mong mỏi, nhìn về phía trước với nhiều niềm tin, hy vọng, dẫu đằng sau cái ánh nhìn đấy là thật nhiều lo toan cho cuộc sống đời thường. Tháng hai sắp qua giữa thủ đô nhộn nhịp, tôi nép mình một góc trống trải giữa quán cà phê để trốn khỏi xô bồ mà lặng nghe tâm hồn mình sống lại. Thoáng chốc nọ, như một nhành lộc non tắm chút nước ấm giữa ngày giá lạnh bung nở mạnh mẽ đến lạ thường, tôi cảm nhận ùa về trong mình những ký ức bấy lâu tưởng đã xa vời lắm. Góc nhỏ, quán quen và muôn vàn những thì giờ của quá khứ, mồn một kéo về trong nụ cười bất giác… Hà Nội vẫn đẹp vậy, vẫn ngơ ngác vậy giữa muôn người vội đi… Tôi vẫn vậy, vẫn ngơ ngác giữa dòng người vội chảy. image

[P2] Sống với nghề lập trình. 00:57 06/02/2022

// Từ nhu cầu tới đam mê. Đây là một bài viết chuyện phiếm không liên quan tới kỹ thuật hay lập trình, chỉ mang tính trao đổi và tâm sự. Hôm nay mình có đứa cháu qua hỏi chuyện lập trình, chợt ngẫm ra một vài điều để chia sẻ về chuyện sống cùng nghề này. Tất nhiên, sẽ không bao quát như bài trước mà bắt đầu có những topic rõ ràng hơn. Trong cuộc sống, ai cũng có những nhu cầu khác nhau, tùy theo xuất thân, hoàn cảnh và cả tính cách. Những nhu cầu này tùy lúc mà sang hèn, tuy nhiên luôn luôn hiện hữu trong mỗi người dù họ có nhận ra điều đó hay không. Về cơ bản, một cuộc sống nếu không có nhu cầu thì cũng chẳng cần làm gì cả. “Căn nguyên của mọi hành động đều đến từ nhu cầu và mong muốn”. Chính vì thế, những gì ta làm có toàn tâm toàn ý hay không, hoặc có bao hàm sự cố gắng trong đó hay không cũng đều đa phần do nhu cầu / mong muốn của bản thân mình với điều đó tới nhường nào? Ngẫm thử mối tình đầu của bạn xem, bạn đã mất ngủ bao nhiêu lâu, trằn trọc biết bao thì giờ và dành bao nhiêu tâm trí để chọn quà sinh nhật khi ngày đặc biệt của họ đến? Đôi khi những thứ bạn làm sẽ tiết lộ cho bản thân bạn rằng bạn muốn họ thế nào, cũng có đôi khi, may mắn hơn, bạn biết rằng bản thân mình muốn gì trước khi bắt đầu thực hiện. Nhưng, xin nhắc lại đó chỉ là trường hợp may mắn. Trước đây, tôi hay có một câu cửa miệng để trả lời khi bất kỳ ai hỏi về việc “Đam mê từ đâu mà ra?”, câu trả lời rất đơn giản: Người ta thường nghĩ cứ đam mê rồi thành công sẽ tới, nhưng thực ra thành công tới trước cả khi đam mê hiện hình. Khi bạn thành công ở tuổi trẻ, sự hiếu thắng đôi khi sẽ dìm bạn xuống đáy sâu tuyệt vọng (đỉnh của sự ngu dốt trong sơ đồ Dunning Kruger), nhưng cũng cho bạn một liều Doping cực mạnh để cố gắng. Mọi sự sẽ như này, một bài toán nọ ở lớp đột ngột bạn giải được khi mà cả lớp đều bó tay sẽ khiến bản thân bạn cảm nhận rõ được hương vị của thành công. Bạn sẽ muốn nhiều hơn, khao khát hơn, muốn chứng minh bản thân hơn, dần bạn sẽ tự thúc đẩy bản thân để có được điều mình mong ước. Đó chính là lúc bạn có được nhu cầu, thứ khởi nguồn của mọi tham vọng và chất liệu chính xây dựng nên thứ mà mọi người vẫn gọi là đam mê. Nói về đam mê, tôi muốn đề cập một “khái niệm” về cách mà người Nhật tìm ra chân lí sống cho đời mình, đó là Ikigai. “Ikigai là một khái niệm bắt nguồn từ Nhật Bản, có nghĩa là “lý do của sự tồn tại”. Thuật ngữ “Ikigai” thường được dùng để chỉ thứ khởi nguồn cho những giá trị trong cuộc đời con người, hoặc những điều làm cho cuộc sống của họ đáng sống. Từ này được dịch sang tiếng Anh với ý nghĩa “lẽ sống” hoặc “lý do để bạn thức dậy mỗi sáng”. Theo lý thuyết của người Nhật, Ikigai của bạn năm ngay giữa điểm giao nhau của 4 vòng tròn: Việc bạn thích làm, việc mà xã hội cần, việc mang lại thu nhập cho bạn, việc mà bạn có thể làm tốt.” - sofiri.com Đam mê, xét theo Ikigai (cũng là một thứ bạn nên tìm hiểu), là phần kết hợp giữa “điều bạn muốn làm” và “thứ bạn làm giỏi”. Thường thì hai khái niệm này đều sinh ra một cách song song tự nhiên và bổ trợ lẫn nhau trong suốt hành trình. Điều bạn muốn làm sẽ thường là điều bạn làm giỏi (muốn chứng minh, thể hiện) và càng làm nhiều (do muốn làm) sẽ càng ngày càng khiến bạn giỏi lên. Cũng vì điều đó mà suốt những năm tháng qua, nếu có ai đó hỏi tôi về việc nghĩ gì về một ngành học nào đó cho con em họ, tôi chỉ khuyên họ rằng hãy để con cái của họ chọn những gì mà chúng thực sự muốn. Tôi may mắn hơn những bạn bè của tôi đồng trang lứa, đó là ít học. Thoạt nghe có thể sẽ hơi giật mình nhưng chính việc tách bạch cuộc sống ra khỏi việc học hành ở trường (tôi không khuyến khích bất kỳ ai bỏ học) và xem việc học ở trường là quan trọng ngang bằng với những niềm yêu thích không liên quan tới học hành, đã khiến tôi dễ dàng nhận ra được đam mê của mình và phát triển nó theo cách kịp thời nhất. Là một người có đam mê và đam mê một cách mãnh liệt, tôi viết bài này cho những ai đang loay hoay ngoài kia chưa biết làm sao tìm cho mình một “Ikigai” để sống. Cuộc sống nếu không có đam mê, thì đó là một cuộc sống vô nghĩa, một “Đời thừa” giữa xã hội xô bô. Và, nhớ, đừng theo lập trình nếu như bạn chưa từng thử hoặc đã thử nhưng không thể tìm thấy được đam mê. image

[P1] Sống cùng lập trình. 09:14 30/01/2022

Vì nội dung này rất dài, cho nên mình chia nó ra làm nhiều bài. Bài đầu tiên mình sẽ nói một cách “sơ sơ” và tổng quan về những gì bạn sẽ phải học, sẽ phải tiếp thu trong quá trình học lập trình. Suốt series này, mình sẽ cung cấp cho các bạn các thông tin cần thiết để có thể theo đuổi được lập trình một cách lâu dài nhất có thể. Xin lưu ý rằng hiện tại mình đã dần tách bản thân ra khỏi lập trình, vậy nên góc nhìn của mình có thể sẽ không “thuần lập trình” cho lắm. Tuy vậy, mình nghĩ một góc nhìn đa chiều của người từng cày cuốc điên cuồng trong lập trình cho tới người sử dụng kiến thức lập trình trong kinh doanh sẽ cho hiệu quả cao nhất ở một chuỗi bài về lập trình & cách sống cùng nó. Trước đây từng có nhiều bạn hỏi mình, lập trình thì học như nào cho hiệu quả. Câu hỏi này đối với cá nhân mình cũng từng là một điều gây rất nhiều thắc mắc, thậm chí có thể nói là hoang mang. Hầu hết những câu trả lời trước giờ mình đưa ra đều rất chung chung, kiểu như cứ chăm là được, cứ cố là được, dùng Google nhiều vào, … blah blah… Hôm nay, nhân dịp cuối năm rảnh rang pha cà phê, ngồi ngẫm lại, vô tình nhận được một tin nhắn hỏi về điều này chắc cũng là cơ duyên để mình viết một bài chiêm nghiệm về quá trình học lập trình của bản thân cũng như chia sẻ một chút về vài điều mà mình ngộ ra được. Đầu tiên, đó là những giai đoạn bắt đầu. Giai đoạn bắt đầu chính là quãng thời gian bạn mới bước chân vào lập trình từ con số 0, không có khái niệm, không có kinh nghiệm cũng chẳng có tí tư duy nào về “phát triển phần mềm cả”. Xin lưu ý là “phát triển phần mềm” chứ không chỉ là lập trình. Hãy chú ý khái niệm này vì chúng ta còn có thể sẽ đề cập nó nhiều hơn về sau. Ở cái thời điểm này, thường thì các bạn sẽ mày mò những thông tin cơ bản về coding, về lập trình, cố gắng hiểu if/else là gì, cú pháp một ngôn ngữ như thế nào và thường xuyên sẽ chọn cho mình một ngôn ngữ lập trình để lấy vốn. Thực ra, việc bắt đầu lập trình thì hay có 2 phương pháp chính mà có thể nói là 2 “trường phái” :v tuy không đối lập nhau nhưng thường gây tranh cãi. Đó là: Học lí thuyết rồi code sau, hoặc code trước rồi ngộ ra lí thuyết sau. // Xin lưu ý với mọi người, ở đây mình chỉ nêu khái niệm sơ bộ và một số góc nhìn cơ bản, không có tính chất tham khảo hay khuyên nhủ bất kỳ ai phải theo con đường nào. Cá nhân mình sau một thời gian học và phát triển thì cũng đồng thời kết hợp cả hai phương pháp này lại chứ không nhất quán ở một phương án nào. Trước nay, mình không phải là fan của cái phương pháp đầu tiên (học trước, làm sau), vì bản thân mình rất ngại những thứ nặng lí thuyết và nhiều thứ phải ghi nhớ. Tuy vậy, dần một thời gian sau khi làm quen được hơn với việc có những thứ “bắt buộc phải nhớ”, ví dụ như một life-cycle (vòng đời) phát triển của phần mềm, hay các kiến thức và lí thuyết cơ bản để tối ưu sẩn phẩm, thì mình cũng ngộ ra được việc đọc lí thuyết sẽ giúp bản thân hiểu rõ vấn đề nhanh hơn so với việc code chay rồi tự ngộ ra. Nó giống như việc đọc sách, bạn có thể lĩnh hội được lượng kiến thức mà người đi trước đã mất cả mấy chục năm (thậm chí cả trăm năm) để tích góp trong vài trăm trang giấy. Nên, có những thứ vẫn nên đọc lí thuyết để tránh mất thời gian và lòng vòng. Tuy vậy, có đôi khi việc đọc lí thuyết sẽ khiến bạn mất nhiều thời gian hơn so với thường lệ. Theo kinh nghiệm của mình, trong việc phát triển phần mềm, có rất nhiều thứ mà bạn có thể ngộ ra được thông qua việc “tận mục sở thị”, tức là ngồi code luôn thay vì đọc lí thuyết trước. Việc code trước học sau cho bạn cơ hội để tiếp xúc và tìm hiểu hướng sử dụng trước khi hiểu sâu hơn về vấn đề. Có nghĩa rằng việc code trước sẽ chỉ cho bạn cảm hứng để làm việc, nếu muốn hiểu sâu hơn về sản phẩm mình làm ra, về công nghệ mình sử dụng, tối ưu được tốt hơn hệ thống thì phải đọc về lí thuyết mới được. Chung quy lại, một phương pháp học tốt luôn luôn kết hợp cả hai phương án kể trên. Tuy vậy, bắt đầu bằng phương pháp nào là lựa chọn theo nhu cầu và sở thích của từng người. Sau khi học được một chút, có một giai đoạn mà mình thấy 90% các bạn học lập trình đều gặp phải, đó là hiệu ứng Dunning-Kruger. Nói nôm na, khi bạn biết một chút thì bản thân bạn sẽ dễ ngộ nhận rằng tầm hiểu biết của mình đã nhiều, đã đủ và dễ sinh ra “thói tự mãn”. Mình không có lời khuyên cho giai đoạn này, vì nó có thể là một phần tất yếu khi phát triển bản thân mà nhất thiết ai cũng phải có. Tuy hiệu ứng này sẽ sinh ra cho bạn một thói rất xấu, tuy vậy nếu vượt qua được cái “Peak of Mount Stupid” (Hãy tìm hiểu một chút về hiệu ứng này trên Google), thì bạn sẽ có rất nhiều cảm hứng để phát triển bản thân. Dunning-Kruger khi bạn trên đỉnh của sự tự tin giữa đáy ngu dốt, đôi khi sẽ giúp bạn sinh ra đam mê trong sai lầm và tự mãn. Khi hiểu biết bạn đã ổn hơn, bạn đã nắm trong tay một vài ngôn ngữ cơ bản thì cũng là lúc bạn nên mở rộng tầm hiểu biết. Cá nhân mình cũng có một thời gian rất dài theo đuổi lập trình và trải qua rất nhiều ngôn ngữ, vậy nên mình có thể cho bạn một kết luận rằng khi bản thân bạn đã vững ở một kiến thức rồi thì nếu chưa cần đi làm vội, hãy học thêm vài ba ngôn ngữ nữa. Việc hiểu sơ lược về cấu trúc một ngôn ngữ lập trình có thể giúp bạn rất nhiều trong việc học các ngôn ngữ lập trình tiếp theo và mình cam đoan rằng học các ngôn ngữ mới sẽ rất nhanh thôi. Vậy nên, cứ trải qua càng nhiều ngôn ngữ càng tốt, dần bạn sẽ hiểu tính liên kết trong công nghệ. Về cơ bản, nếu bạn muốn đi làm thì mình có một lời khuyên là hãy nằm lòng cỡ 3-4 ngôn ngữ lập trình với càng nhiều nền tảng càng tốt. Việc có kinh nghiệm ở nhiều nền tảng sẽ giúp bạn được ưu tiên hơn khi tuyển dụng và khiến khả năng làm việc của bạn “tiệm cận” với full-stack. Tỉ dụ như ở công ty mình, có một vài bạn vừa có thể code Java lại code tốt C#, vậy thì khi đụng tới Java Spring để code web hay đá qua ASP.Net đều ổn cả. Tất nhiên, học nhiều ngôn ngữ không quan trọng bằng biết một ngôn ngữ nhưng ứng dụng được trong nhiều vấn đề, cần lưu ý điều này. Có nhiều ngôn ngữ đa dụng mà bạn có thể sử dụng cho rất nhiều mục đích, tỉ dụ như JavaScript, Java hay Python. Riêng thằng JavaScript, mình sử dụng rất nhiều cho đa số các dự án, sử dụng từ Backend, Frontend cho tới Mobile, tất tần tật nó đều gánh được. Vậy nên, mình cũng khuyến nghị bạn tìm cho bản thân một ngôn ngữ có tính ứng dụng cao để có thể tối đa hóa được khả năng của bản thân mà không tốn quá nhiều thời gian học thêm ngôn ngữ. Có một phần mà mình chưa đề cập tới, đó là Tools/Framework, đây cũng là một phần rất quan trọng. Với Tools/Framework, có rất nhiều loại theo từng ngôn ngữ mà bạn có thể tìm thấy trên mạng, tuy vậy, nếu bạn là người mới bắt đầu thì hãy ưu tiên code thuần trước khi đến với các Frameworks, lí do là vì nếu đụng vào Frameworks sớm thì rất có thể sau này dễ gây ra tình trạng hổng kiến thức hoặc code xong mà không hiểu tại sao. Với tools và frameworks, cá nhân mình cho rằng nên đụng tới chúng sau khi đã học lập trình hoặc code “ổn” ở một ngôn ngữ lập trình trong ít nhất 6 tháng. Ngoài ra, các tools và frameworks đều có những quy chuẩn riêng, những thông tin riêng mà đôi khi nó còn phức tạp hơn việc học ngôn ngữ lập trình nhiều, vậy nên thường các “dev mới” đều rất khó tiếp cận hoặc tận dụng đầy đủ khả năng của các công cụ và khung lập trình này. Tới giai đoạn này, về cơ bản thì lượng kiến thức của bạn đã đủ (thậm chí dư) để có thể đi làm. Điều tiếp theo cần học đó chính là cách làm sao có thể tận dụng được hết kiến thức lập trình trong quá trình phát triển dự án / sản phẩm. Bài hôm nay cũng dài rồi :v tay cũng mỏi rồi, thế nên mình xin phép dừng tại đây. Vì đây cũng là một bài viết gấp trả lời cho một bạn inbox hỏi nên có thể thông tin trong bài viết hơi loạn cào cào xíu, mong các bạn thông cảm. Các bài tới mình sẽ cân nhắc việc lựa chọn topic hơn và thông tin mang tới cũng sẽ nhất quán hơn… Cheers!

Những ngày cuối năm… 00:58 30/12/2021

Bạn nhận ra rằng cuối năm đã đến, không phải vì hôm nay đã là những ngày cuối cùng của tháng mười hai, cũng không phải vì hôm nay xem lịch bạn thấy năm nay không còn nhiều ngày nữa. Bạn nhớ mang máng rằng, tháng mười một vừa qua chưa được bao lâu, mới đây thôi bạn còn đang ngồi chúc mừng thầy cô và rõ ràng là ít hôm trước bạn mới nhắn dịch vụ phát nhanh chuyển bó hoa cho đúng dịp… Bạn cũng nhớ chắc chắn rằng tháng mười hai chưa thể hết nhanh như vậy, vì còn một vài chỗ bạn chưa kịp đi, vài nơi bạn chưa kịp đến và vài quán bạn cũng còn chưa kịp ăn. Không lí nào lại như thế được! Ngẫm một lúc, cái dòng hồi tưởng khiến bạn nhớ ra rằng thời gian trôi nhanh quá, có lẽ sự hối hả đã khiến bạn không thể bắt kịp dòng chảy đời mình… Và có lẽ, giây phút đó bạn nhận ra rằng thời gian đã bỏ bạn cách một đoạn xa mất rồi. Trời bắt đầu mưa, lạnh buốt. Thế là, bạn bắt đầu nhớ về những cơn mưa phùn đầu giêng, tay xoa xoa vì cóng, hà hơi một chút cho làn khói trắng bay ra. Bạn thích thú như một đứa trẻ, cười toe, vẫn không dám hé miệng quá vì sợ môi nẻ, nhìn vài giọt nước đọng trên cửa kính… Phản chiếu trong gương là nụ cười và ánh mắt bạn chứa đầy sự chờ đợi. Bạn không chờ đợi một ai cả, hôm nay bạn không có hẹn, càng không thể có hẹn giữa một ngày trong tuần, lại càng không khi mà dịch bệnh đang hoành hành phức tạp. Sự chờ đợi của bạn nằm hết ở tháng hai, nơi mà có tất thảy những thứ bạn muốn ở nơi bạn thuộc về. Bạn nhớ những suy nghĩ mông lung trên chuyến bay ngắn ngủi về quê, nhớ rằng mình đã tưởng tượng ra nụ cười của bố khi chờ đón bạn tại sảnh, câu hỏi của bà khi bạn bước chân vào nhà và nhớ cả những mường tượng về chú chó thân yêu sẽ vẫy đuôi chào bạn. Chuyến bay hết tất thảy chỉ hai mươi phút, nhưng bạn có thể tưởng tượng ra được tận hai mươi ngày. Hai mươi ngày đẹp nhất, vui nhất và ấm áp nhất, đó chính là hai mươi ngày bên gia đình thân yêu của bạn. Ngày bạn bước ra một thành phố mới với một niềm hy vọng mới, bạn đã nghĩ rằng sẽ phải thật mạnh mẽ để bước đi, sẽ luôn cứng rắn trước cuộc đời và bỏ lại những thương mến quê hương ở sau lưng mà chuyên tâm phấn đấu. Xã hội khiến bạn vững vàng hơn, cuộc đời khiến bạn trưởng thành hơn, mỗi ngày của bạn được lấp đầy bởi những điều bận bịu, lẽ đương nhiên là quê nhà sẽ được đặt ở một chỗ khuất hơn, sâu hơn và tối hơn trong cái kho tàng tiềm thức của bạn. Bạn còn ít gọi về cho mẹ kia mà? Bố bạn cũng chỉ gọi cùng lắm một lần mỗi tháng. Ấy thế mà, hai mươi ngày đó khiến bạn háo hức biết bao, rạo rực biết bao và khôn xiết những chờ mong trông ngóng. Bạn chợt nhận ra rằng sau một năm dài đằng đẵng nhưng nhanh tới lạ thường, rồi sẽ có một ai đó thực sự để tâm tới câu chuyện bạn kể, nở một nụ cười thầm kín khi thấy rằng bạn đang dần lớn lên rồi lại xịu mặt buồn vì thấy rằng bạn càng ngày càng rời xa họ. Giây phút bạn biết rằng mình đã khôn lớn, đấy chính là giây phút mọi sự biến sắc trên khuôn mặt họ bạn đều nhận ra và hiểu được nguyên nhân. Có lẽ, xã hội đã dạy bạn quá nhiều để bạn đủ hiểu rằng ở phía ngoài kia, không có thứ gì là miễn phí… Tình thương yêu vô hạn, có lẽ là thứ mà bạn thiếu thốn từ lâu, để rồi dịp cuối năm đến, bên bếp lửa hồng bạn ngồi đó, nhìn họ mỉm cười, cảm nhận hơi ấm lấn dần vào tận trái tim… Nếu xã hội kia dạy bạn rằng phải cố gắng hơn, chai sạn hơn, mưu mẹo hơn thì mới thành công được, có lẽ trở về chính là lúc gia đình và kỷ niệm dạy bạn rằng yêu thương mới là thứ giúp bạn hạnh phúc… Tám giờ hai mươi, bạn choàng tỉnh sau những suy nghĩ miên man. Đống số liệu vẫn chưa xong, cuối năm nhiều việc quá. Pha cốc cà phê sáng, bạn mỉm cười và biết rằng hai mươi ngày đó sắp tới gần…

“Kẹt” tuổi đôi mươi. 06:25 23/12/2021

Tuổi đôi mươi đến, mang một đôi giày mới để ta bước đi. Đôi giày bóng bẩy để ta có thể đeo khi dạo phố, đủ ấm để che lạnh đầu đông, dư nẩy để ta nhảy cao hơn giữa thời thế và xã hội, nhưng đó là câu chuyện của những đôi chân khỏe khoắn. Kỳ thực, cái đôi giày đấy vô cùng nặng, nặng nhất là vì giờ đây không có ai nâng hộ từng bước, đỡ hộ từng đường cho ta nữa. Ta phải tự đi, đau thì tự lết còn mệt thì tự biết nghỉ rồi đứng dậy… Ấy cũng là lúc, cái sức nặng của đôi chân dần khiến ta trở nên yếu đuối và lạc lõng, khi mà nhìn xung quanh ai cũng đang bước đi trên đôi chân của mình. Ta mệt quá, ta không thể cố thêm một tí nào nữa, ta ngồi phịch bên đường, ta yếu đuối… Giây phút ấy, ta lại thấy một kẻ nào đó, có thể thân quen nhưng cũng có thể lạ, bước băng băng trên con đường thành công. Thế là ta tủi thân, ta trách phận, trách những gì đã đè nặng lên đôi chân yếu đuối của ta mà mặc kệ rằng những gánh nặng không phải chỉ ta mới có. Thế là ta kẹt. Kẹt của tuổi đôi mươi, theo lời một người lớn tuổi hơn ta đã từng kể, có thể rất thực tế nhưng cũng thường xuyên nực cười. Ta có thể kẹt chỉ vì bố mẹ ta không sinh ra trong một gia đình giàu có, thế nên ta cũng không thể được sinh ra trong một gia đình giàu có. Nếu thế, sau này con cái ta, cháu chắt ta cũng sẽ không sinh ra trong một gia đình giàu có… Giàu có, trong suy nghĩ của ta, nó cũng là cái số trời cho, y như trí thông minh vậy. Lần này ta kẹt sâu hơn… Ta dần nhận thức được việc chân mình đã sa vào vũng, ta cố quẫy, cố vùng chân lên để đôi giày mới cóng thoát ra khỏi cái bãi lầy sâu hoắm đầy bùn hôi. Ta nhích, nhích một chút… Mới chỉ vài mi li mét chân nhô lên, chả thấm đâu cả. Ta lại cắn răng thử thêm một lần nữa, vẫn chả khá hơn lần đầu là bao. Thế rồi ta tự hỏi, cố gắng để làm gì? Có nghĩa lý gì? Cuối cùng, ta kẹt hẳn. Đôi giày ngày nào, vốn nặng, nên chìm rất nhanh. Từ nay, ta chẳng còn gì cả, đôi chân ta, gánh trên là cả con người, lại vác luôn cả những gánh nặng tương lai từ gia đình và xã hội… Dần dần, ta không còn chỉ là kẹt nữa, cả cơ thể, đến cả tâm hồn, tiếng nói, đôi tai và cả đôi mắt đều chìm dưới bùn sâu tuyệt vọng. Thế đấy, tuổi đôi mươi, kẹt cũng là điều dễ hiểu…